Bệnh thành tích, háo danh ngày càng nặng


Nhìn lại một số hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra trong thời gian gần đây, có thể thấy việc chấm giải thiếu công bằng, tình trạng "mưa" huy chương diễn ra phổ biến và điều đáng nói các vấn đề trên bắt nguồn từ bệnh háo danh, ham thành tích.

Quá đông nghệ sĩ được xướng tên lên sân khấu nhận giải, chen nhau đứng vì không còn chỗ. Ảnh: Đ.Khánh.

(LĐ) -

Thực chất, dù nhiều nghệ sĩ, vở diễn có được nhận huy chương (HC), thì về mặt nghệ thuật, sân khấu nói chung, kịch nói và cải lương nói riêng đều ọp ẹp trong "cơ thể ốm yếu".

Cú hích thay đổi chất lượng nghệ thuật, mà hội diễn (HD) hướng đến, giờ đây gần như phá sản, khi ai cũng mặc nhiên công nhận đây là dịp nghệ sĩ, đạo diễn "hái" HC để có thể thăng hạng NSƯT, NSND. Chạy giải, hay mua danh là những từ thông dụng trong trường hợp này.

NSƯT Trần Ngọc Giàu - Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, người tự động rút khỏi ban giám khảo để làm nghề và chịu tiếng oan dựng quá nhiều vở diễn đã nói về bản chất hội diễn và căn bệnh đáng sợ nói trên: "Khi tổ chức HD, người ta muốn tạo không khí cho các đoàn nghệ thuật tìm tòi cái mới. Nhưng thực tế cho thấy, HD tạo áp lực khác. Đơn vị nào cũng cầm tiền của địa phương dựng vở đi thi, phải mang về một kết quả nào đó. Gần đây, một số địa phương hiểu ra, không buộc phải có giải và cũng khẳng định, chỉ cần tạo điều kiện cho nghệ sĩ có HC để thuận lợi cho việc xét danh hiệu.

Nhiều HD gần đây cho thấy sự lúng túng của những người có trách nhiệm, trước hết ở việc hạn chế đơn vị này không được mượn diễn viên của đơn vị kia. Sài Gòn có cơ chế mở, các đoàn chỉ giữ diễn viên hạng chính, còn lại hợp đồng theo vở diễn. Nhiều nghệ sĩ bươn chải đi các nơi, dịp hội diễn mới trở về với đoàn.

Thứ hai, có thể thấy, thiếu hụt đội ngũ làm nên bộ mặt sân khấu đó là đạo diễn. Vì thế, các đoàn chạy đôn đáo khắp nơi. Tôi được nhiều nơi mời, chẳng qua vì không ai cáng đáng giúp họ (nhiều tỉnh nghèo, nên mãi mới xoay đủ tiền dựng vở, chỉ có thể ký hợp đồng cho đạo diễn ngay khi vở đã phúc khảo).

Thứ ba, ngay ở quy chế HD đặt ra mỗi tác giả, đạo diễn chỉ được có 3 vở, cũng đã chỉ ra tình trạng thiếu hụt đội ngũ đạo diễn trẻ, nên người già phải làm thay. Lẽ ra, trách nhiệm của Nhà nước là phải nghĩ đến chuyện đào tạo một lực lượng có tài lực từ đầu, chứ không đợi đến HD mới "phát hiện" ra đạo diễn trẻ.

Cũng cần phải kể đến sự lúng túng của ban giám khảo khi phải trả lời trước công luận việc chấm giải thiếu công bằng, ưu ái cho thành viên ban giám khảo là chuyện thường ngày... Thiếu hụt lớn nhất của HD là đề tài. Sân khấu hiện chỉ mới đáp ứng nhu cầu giải trí, không còn khả năng làm nhiệm vụ phản ánh, dự báo, giáo dục, nâng cao nhận thức thẩm mỹ của khán giả".

"Vậy theo ông, nên chuyển hướng hội diễn sang hình thức hoạt động nào, một khi chính mô hình này không còn phù hợp nữa?". NSƯT Trần Ngọc Giàu cho hay: "Làm sao để vở diễn có đời sống sau HD là điều quan trọng nhất. Nhiều đơn vị huy động tiền mướn nghệ sĩ, mà cuối cùng ấm ức vì không có giải gì, lãng phí lớn.

Tâm lý 5 năm mới có một lần HD, phải làm địa phương mở mặt nay đã nhạt dần, vì nhiều nơi bắt đầu không dự thi, hoặc dựng vở cho chính họ, chứ không vì giải thưởng. Cải lương khác kịch nói, vì hầu hết đều lấy tiền nhà nước dựng vở, còn kịch nói thì nhiều đoàn đã xã hội hóa, nên chú ý cả mặt doanh thu.

Việc thi thố, giành giải dẫn đến chuyện cho điểm không chính xác, không công bằng, khiến nhiều người cho rằng khi họ lên nhận giải vàng, họ cảm thấy xấu hổ khi đứng cùng đối tượng không xứng đáng. Danh hiệu NSƯT, NSND cũng phải đổi một cái gì đó, như một công cụ để đạt được cái khác.

Ngay cả chuyện ai sẽ nhận HC để lên NSƯT, NSND cũng đã được tính trước. Vậy nên mới có chuyện trong một HD, có nghệ sĩ đoạt 2 HC ở cả 2 vở. Bệnh thành tích, chạy giải ngày càng nặng là vì vậy. Theo tôi, nên bỏ HD, chỉ nên tổ chức liên hoan cho nghệ sĩ học hỏi lẫn nhau".

GS-TS Trần Ngọc Thêm: Nếu không xử nghiêm, thói háo danh là vấn nạn. Nguyên nhân căn bệnh háo danh của người Việt bắt nguồn từ truyền thống: Đó là một trong những đặc điểm của nền văn hóa nông nghiệp. Trong cộng đồng làng xã, chỉ bó hẹp trong những con người nhất định, vị trí mỗi người trong cộng đồng rất quan trọng. Người ta coi trọng danh hơn lợi. Ngay cả khi cái thực không còn, kinh tế sa sút, cũng phải giữ thể diện, đến thói háo danh, sĩ diện.

Tuy nhiên, trong thời đại bây giờ, cái danh đó đi kèm các lợi ích khác. Người ta trọng danh hơn lợi không chỉ vì sĩ diện, mà còn kéo theo nhiều giá trị vật chất. Ở ta, nhiều quy định, luật lệ không chặt chẽ, hoặc có chặt thì cũng không được thực hiện nghiêm. Như trong trường hợp không quy định rõ ban giám khảo không được dự thi, hoặc nếu dự thi thì phải không được chấm tác phẩm của mình.

Nếu lợi dụng danh vị để làm lợi cho mình thì phải được xử lý nghiêm. Còn nếu không ai đứng ra xử lý thì căn bệnh vẫn cứ hoành hành. Dư luận cũng tạo sức ép tích cực để những trường hợp này được Bộ VHTTDL đứng ra giải quyết. Nhưng ở VN, có một "văn hóa tự xử" khá phổ biến.

Ông Huỳnh Anh Tuấn - GĐ Cty Thái Dương (Idecaf): Bệnh thành tích khiến sân khấu ngày càng lạc hậu. Thực tế cho thấy, ai cũng muốn giành giải, nên mới có chuyện chạy giải. Tình trạng này đẩy sân khấu ngày một tụt hậu. Chính vì vậy, lâu nay chúng tôi không muốn đi thi, mà chỉ muốn được tồn tại trong lòng khán giả với những vở diễn có tìm tòi cái mới. Hiện nay, nhiều khán giả rất mới; ban giám khảo, ban chỉ đạo thì lại rất cũ, rất lạc hậu.

Mình chạy theo khán giả chưa chắc đã kịp, chứ khoan nói đến việc chiều theo thị hiếu khán giả. Theo tôi, nên bỏ hội diễn, bỏ cả những danh hiệu vì chúng đã thuộc về thời bao cấp. Danh hiệu trong lòng công chúng là quan trọng hơn cả. Hiện nay, danh hiệu được hiểu là "có điều kiện", mà nghệ thuật thì không có điều kiện nào cả.

Minh Thi


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét