Chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục tại các cơ sở đào tạo của quân đội (Bài 1)


Bài 1: Dạy thực chất, sát đối tượng

LTS: Chỉ thị 60/CT-TM của Tổng tham mưu trưởng về “Chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục tại các cơ sở đào tạo quân đội” đã tạo phong trào sâu, rộng, chuyển biến rõ nét về chất lượng giáo dục đào tạo. Môi trường sư phạm phát triển theo hướng tích cực: Dạy thực chất, học thực chất, đánh giá kết quả đúng thực chất. Đặc biệt, tình trạng “xin-cho” điểm, chạy theo thành tích và “sức ép” về tỷ lệ khá, giỏi... như trước đây đã giảm cơ bản, góp phần xây dựng quan hệ thầy-trò-cán bộ quản lý đúng mực, lành mạnh.

Mới từ bài giảng...

Thực hiện Đề án 63 của Bộ Quốc phòng về đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật các cấp trong quân đội, các học viện, nhà trường đã chủ động đổi mới chương trình, nội dung sát mục tiêu, yêu cầu đào tạo, bảo đảm mặt bằng kiến thức theo quy định, phù hợp với từng đối tượng.

Đại tá, Tiến sĩ Hoàng Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Tăng-Thiết giáp cho rằng: Nội dung, chương trình là “xương sống”, của mỗi nhà trường, bởi nó quyết định không chỉ dạy gì, học gì, mà còn dạy và học như thế nào. Trong điều chỉnh, đổi mới chương trình đào tạo, nhà trường tăng kiến thức phục vụ chức vụ theo mục tiêu đào tạo, lấy chức vụ ban đầu là chính, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm cơ sở, cung cấp cho học viên những kiến thức cần thiết để đảm nhận chức trách, cương vị được giao.

- Học viện Biên phòng xác định “khâu đột phá” bắt đầu từ đổi mới chương trình đào tạo, buộc giáo viên, cán bộ quản lý và học viên phải “xoay quanh” đó - Đại tá Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Đào tạo Học viện cho biết. Nếu chương trình nặng về lý thuyết, “hàn lâm”, thì người dạy khó có thể thoát ly phương pháp giảng giải, thuyết trình; nếu tăng tính thực tiễn, chú trọng thực hành, đào tạo “tay nghề” thì người dạy, người học sẽ không thể duy trì phương pháp cũ là thầy đọc-trò ghi… Yêu cầu đặt ra là giảng viên phải luôn cập nhật những kiến thức mới, sát thực tiễn vào từng bài giảng.

Gắn bó với nhà trường trên nhiều cương vị công tác, Đại tá Mai Văn Nhuần, Phó chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 1 tâm đắc: Nhà trường thực sự “thay da đổi thịt” trong những năm gần đây, mà vấn đề "rường cột” được xác định là xây dựng chương trình chuẩn, tiếp cận hiện đại, liên thông, sát đối tượng đào tạo. Nếu chương trình nặng về lý thuyết, trùng lặp… sẽ gây nhàm chán, chủ quan cả với người dạy và người học. Có đổi mới chương trình thì mới đổi mới được phương pháp dạy học, nhất là việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, các phương tiện dạy học tiên tiến; đồng thời đội ngũ giáo viên phải được chuẩn hóa, nâng cao cả về học vấn, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng sư phạm.

... Đến thay đổi phương pháp dạy

Thầy giỏi sẽ có trò giỏi. Tính nghiêm túc của thầy cùng sự cố gắng của trò tạo phong trào “dạy thực chất, học thực chất”, khắc phục gian lận trong thi cử và bệnh thành tích...

Đổi mới phương pháp giảng dạy được các nhà trường quân đội đặt ra qua mỗi năm học, nhằm hạn chế thấp việc dạy học theo kiểu “thầy đọc, trò ghi”. Tiến sĩ Nguyễn Lĩnh Toàn, Chủ nhiệm Bộ môn Sinh lý bệnh, Học viện Quân y thẳng thắn:

- Học viên bây giờ không chấp nhận những bài giảng khô khan, mà đòi hỏi phải tạo sự hứng thú, kích thích học viên say mê học tập, nghĩa là thầy phải có phương pháp dạy học tích cực, vận dụng nhiều phương pháp, như nêu vấn đề, đặt ra các tình huống, đưa người học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Ngoài lượng kiến thức mới luôn cập nhật, thầy phải làm chủ các thiết bị giảng dạy hiện đại, giúp nâng cao chất lượng giảng dạy để học viên hứng thú, dễ tiếp thu.

Học viện Quân y đã sử dụng bộ chương trình y học tổng hợp Medline được hơn 4.000 trường học, bệnh viện có uy tín trên thế giới sử dụng. Mặc dù có đội ngũ giảng viên với nhiều giáo sư, phó giáo sư, chuyên viên đầu ngành, nhưng học viện vẫn thường xuyên mời các giảng viên có uy tín của các trường, bệnh viện khác tham gia giảng dạy; tổ chức hội giảng, thi giáo viên giỏi các cấp để nhân rộng các bài giảng mẫu.

Theo Đại tá Nguyễn Xuân Nam, Chủ nhiệm Khoa Biên phòng, Học viện Biên phòng: Khoa giảng dạy cho nhiều đối tượng học viên, nên giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy cho từng đối tượng luôn được đổi mới, cập nhật, sát thực tiễn nhiệm vụ bảo vệ biên giới; điều chỉnh giảm thời gian lên lớp, tăng thời gian thực tập, thực hành.

Quan điểm “bắt” người học “đào sâu, tư duy” thúc đẩy động cơ học tập đúng đắn, đồng thời người dạy cũng luôn phải tìm cách đổi mới, làm phong phú bài giảng. Thượng tá Lê Minh Thái, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Học viện Kỹ thuật Quân sự cho rằng: Các khoa luôn phải tự đổi mới để xây dựng “thương hiệu” cho mình, như Khoa Điện tử viễn thông, Khoa Công nghệ thông tin... của nhà trường sử dụng bộ giáo trình chuẩn, xếp “tốp đầu” của các nước tiên tiến, học viên rất thích học. Giảng dạy theo bộ tài liệu này, thầy không chỉ thành thạo các phần mềm chương trình mà trò cũng phải giỏi ngoại ngữ mới tiếp thu tốt.

Biên soạn và sử dụng giáo án điện tử, tăng mô hình trực quan trong giảng dạy trở thành phong trào và yêu cầu bắt buộc đối với đội ngũ giảng viên các học viện, nhà trường quân đội. Việc tăng cường kiểm tra, thanh tra, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, như lắp đặt ca-mê-ra tại giảng đường góp phần giảm thấp nhất tình trạng thầy “đến muộn, ra sớm”, giảng dạy thiếu tích cực, học viên ngủ gật, vi phạm quy chế thi, kiểm tra…

Trung tướng Nguyễn Trọng Thắng, Cục trưởng Cục Nhà trường Bộ Tổng tham mưu đánh giá: Thực hiện Chỉ thị 60 của Tổng tham mưu trưởng, các học viện, nhà trường quân đội đã tích cực đổi mới, vận dụng linh hoạt phương pháp dạy học tích cực; chuyển từ lấy giáo viên làm trung tâm (trình bày, thuyết giảng, giải thích, đọc…) sang lấy học viên làm trung tâm, phát triển tư duy độc lập, gắn lý thuyết với thực hành, lý luận với thực tiễn, giảng đường với bãi tập; kết hợp giữa cung cấp kiến thức với truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, huấn luyện của các đơn vị. Những bất cập, hạn chế của giảng viên trong giảng dạy được đóng góp, điều chỉnh kịp thời nhằm phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, năng lực của giáo viên, tính tích cực, sáng tạo, chủ động của học viên...

Bài 2: Học cho mình, học để làm việc

Bài và ảnh: Quân Thủy-Anh Thu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét