Chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục tại các cơ sở đào tạo của quân đội (bài 2)


Bài 2: Học cho mình, học để làm việc

“Học để ấm vào thân” là lời dạy chí lý của cha ông ta được đúc kết từ thực tiễn. Tinh thần ấy được nhiều học viên các nhà trường quân đội đẩy lên trong thực hiện Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục”. Với họ, học là để cho mình, để có kiến thức, năng lực làm việc tốt hơn...

Học thực chất, tăng thực hành

Theo đánh giá của Cục Nhà trường, Bộ Tổng tham mưu: Tuy kết quả học tập chung của các nhà trường quân đội những năm gần đây không tăng, nhưng đó là sự phản ánh đúng thực chất của người học. Các hiện tượng tiêu cực, ngại học, ngại rèn, thụ động, trông chờ, ỷ lại được khắc phục đáng kể; chất lượng học tập của học viên được nâng cao, nhất là năng lực thực hành, huấn luyện dã ngoại, diễn tập tổng hợp cuối khóa... Việc giảm lý thuyết, tăng thực hành giúp học viên hứng thú, chủ động hơn trong học tập, đồng thời “sản phẩm” học viên ra trường được các đơn vị chấp nhận, đánh giá tốt hơn.

Đại tá, TS Hoàng Vũ Hùng, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Quân y (HVQY) khẳng định: Phần lớn học viên đã ý thức rõ ý nghĩa của việc tự giác học và rèn. Với học viên quân y, đặc thù nghề nghiệp đòi hỏi phải có tinh thần tự giác, say mê học tập. Muốn trở thành bác sĩ giỏi, có trình độ tay nghề cao thì không cách nào khác là phải học, không có “đất” cho người lười...

Thượng sĩ Trần Thị Khuyên, lớp DH39A tâm sự: Với tôi, học tập không chỉ là niềm đam mê mà còn luôn ý thức mình là một bác sĩ tương lai, phải đưa ra những quyết định đúng liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Thượng sĩ Ngô Minh Tâm, Đại đội 13, Tiểu đoàn 5, Trường Sĩ quan Lục quân 1 tự hào: Khi nhập trường, nhiều bạn bè chúc mừng, nhưng các bạn cũng lo thay vì vào trường quân đội rèn luyện sẽ vất vả, căng thẳng, nhưng bây giờ, việc học tập, rèn luyện với tôi đã trở thành nền nếp; ai cũng mừng là tôi trưởng thành, chững chạc hơn nhiều...

Chúng tôi đã có buổi trao đổi cởi mở với các học viên Đại đội 140, Tiểu đoàn 1, Học viện Kỹ thuật quân sự; Đại đội 24, Tiểu đoàn 2 (Học viện Biên phòng) và Đại đội 15, Tiểu đoàn 5, Trường Sĩ quan Lục quân 1 về phương pháp học tập. “Bí quyết” để trở thành học viên khá, giỏi đối với nhiều người là chăm chú nghe giảng để hiểu bài, nắm kiến thức cơ bản ngay ở trên lớp; giờ tự học thì tập trung ôn lại, tìm đọc thêm trong tài liệu, giáo trình; điều gì chưa hiểu thì hỏi thầy cô, bạn bè... Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Bình Minh (học viên lớp Cử nhân chính trị, Học viện Biên phòng) thì tăng cường học hỏi, truy bài với các đồng chí trong tiểu đội. Học viên Nguyễn Trung Thành tóm tắt bài học, vẽ thành sơ đồ, dán lên... mặt dưới của giường trên để trước lúc đi ngủ, nhìn vào đó ôn lại bài. Thượng sĩ Hoàng Ngọc Dương (Trường Sĩ quan Lục quân 1) cho rằng: Cách ghi chép bài rất quan trọng; phải ghi được ý cơ bản, “tốc ký” nội dung trọng tâm. Dương có 3 chiếc bút màu mực khác nhau để đánh dấu, ghi bài theo vấn đề, đồng thời tích cực nghiên cứu, phát biểu để vừa nắm chắc kiến thức, vừa rèn tác phong, khẩu khí trước tập thể; riêng môn ngoại ngữ thì tranh thủ tối đa cơ hội giao tiếp với thầy, với bạn…

Đẩy khá, xóa kém

Đại tá Mai Văn Nhuần, Phó chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 1 nhận xét: Thông qua các phong trào giúp đỡ nhau học tập, rèn luyện đã tác động mạnh mẽ, làm chuyển biến đồng đều chất lượng học tập của học viên, nhất là năng lực thực hành, huấn luyện dã ngoại, diễn tập, tạo bước đột phá để đội ngũ sĩ quan trẻ có “hành trang” tốt khi ra trường.

Điểm học tập, rèn luyện của học viên được các trường quản lý chặt chẽ qua sự phối hợp của khoa giáo viên, phòng đào tạo và đơn vị quản lý học viên. Hình thức thi, kiểm tra được đổi mới có tác dụng kích thích người học, phát huy vai trò trung tâm.

Phong trào “Đẩy khá, xóa kém”, “Đôi bạn học tập”, “Tổ ba người” ở các nhà trường góp phần làm chuyển biến tiến bộ một số đối tượng học viên học yếu, lười học. Để nâng cao chất lượng thực hành, Học viện Quân y thường xuyên tổ chức hội thao kỹ thuật khám lâm sàng, giúp học viên rèn luyện động tác khám đúng, chính xác. Năm học thứ 6, học viện tổ chức thi tuyển học sinh nội trú để đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ giỏi. Trường Sĩ quan Lục quân 1 yêu cầu đội ngũ cán bộ khung phải bám lớp cùng giáo viên; duy trì thời gian tự học và phát huy vai trò “trợ giáo”. Đối với những học viên có học lực hạn chế, các đơn vị phân công đồng chí học khá giúp đỡ để cùng tiến bộ. Trung sĩ Phàn Tờ Xín (dân tộc Dao, quê Hà Giang) học viên Trường Sĩ quan Lục quân 1 tâm sự: "So với các bạn, nền kiến thức của em hạn chế, để theo kịp đồng đội, nhất là môn ngoại ngữ, tin học, lý luận, em phải tận dụng tối đa, dành nhiều thời gian ôn tập. Kết quả vì thế, không đến nỗi...”.

Thầy giáo Nguyễn Xuân Nam, Chủ nhiệm Khoa Biên phòng (Học viện Biên phòng) nhận xét: Mấy năm gần đây, tỷ lệ khá giỏi của học viên thấp hơn những năm trước, nhưng đó là học thực chất, đánh giá thực chất. Không nên đánh giá đơn thuần điểm 9 cao hơn 8 ở ý nghĩa số học, mà phải nhìn xa hơn. Đó là học viên có thái độ tích cực, tự giác học tập cao hơn để làm việc tốt hơn theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao khi ra trường...

Tuy nhiên, thực tế ở các nhà trường cho thấy, nhận thức, ý thức tự học, tự rèn của một bộ phận học viên chưa cao, tư tưởng bình quân chủ nghĩa, trông chờ, ỷ lại, gian lận trong thi cử và bệnh thành tích chưa được khắc phục triệt để. Ba năm qua, hầu hết các học viện, nhà trường vẫn còn hiện tượng học viên vi phạm quy chế thi, kiểm tra (như mang tài liệu vào phòng thi, quay cóp, trao đổi bài trong khi thi...) và đều được phát hiện kịp thời, xử lý kiên quyết, nghiêm minh.

Bài và ảnh: Quân Thủy, Anh Thu

Chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục tại các cơ sở đào tạo của quân đội (bài 1)

Bài 3: Kết quả thực chất


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét