Chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục tại các cơ sở đào tạo của quân đội (bài 3)


Bài 3: Kết quả thực chất

Kết quả học viên tốt nghiệp trong 3 năm gần đây của các học viện, nhà trường quân đội với tỉ lệ khá, giỏi không thay đổi nhiều, nhưng số học viên trung bình và yếu tăng hơn. Điều này không có nghĩa kết quả học tập của học viên đi xuống, mà chính là việc đánh giá kết quả học tập nghiêm túc, thực chất hơn, khắc phục tình trạng “xin-cho” điểm, nâng điểm vì thành tích của lớp, quyền lợi học viên...

Không chạy theo thành tích

Để đánh giá thực chất trình độ người học, các nhà trường có nhiều biện pháp đổi mới, bảo đảm chặt chẽ các khâu, các bước trong kiểm tra, thi, chấm thi, nhất là thi tốt nghiệp quốc gia, hạn chế thấp nhất tiêu cực. Đề thi được ra theo dạng mở, yêu cầu người học phải biết tư duy, khái quát, tổng hợp, luận giải vấn đề có tính lý luận và thực tiễn. Hầu hết các trường đã hoàn thiện hệ thống ngân hàng đề thi cho các đối tượng; chất lượng, nội dung câu hỏi sát với môn học, có dung lượng, kết cấu hợp lý để đánh giá, phân loại trình độ của người học. Việc các khoa, lớp, hệ học viên… của các trường đề ra chỉ tiêu khá, giỏi, xuất sắc... mang tính áp đặt để rồi bằng mọi cách phải “chạy theo thành tích” đã cơ bản không còn.

Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong tổ chức thi, kiểm tra. Học viện Quân y nghiên cứu, hoàn chỉnh phần mềm thi trắc nghiệm; nội dung câu hỏi cơ bản “rải” hết chương trình học, chất lượng câu hỏi bảo đảm đánh giá đúng trình độ (khá, giỏi, trung bình, yếu) của học viên. Khoa Biên phòng, Học viện Biên phòng đa dạng các hình thức thi, kiểm tra theo dạng đề mở; học viên phải học, luyện tập toàn diện theo phương thức “học gì, thi nấy”, thầy không “chốt”, không “khoanh vùng”, đồng thời siết chặt quy chế, tạo môi trường văn hóa sư phạm lành mạnh, quan hệ thầy trò đúng mực, không còn hiện tượng “xin-cho” điểm. Với từng đối tượng, khoa tổ chức hình thức thi khác nhau, như viết tiểu luận, chuyên đề, thực nghiệm…

Năm học 2008-2009, tỉ lệ học viên giỏi, xuất sắc của Trường Sĩ quan Lục quân 1 giảm khá nhiều so với những năm trước; Học viện Biên phòng không có học viên tốt nghiệp xuất sắc được đi dự Lễ tuyên dương do Bộ Quốc phòng tổ chức. Tuy nhiên, lãnh đạo, chỉ huy và cơ quan chức năng nhà trường không “nặng nề” về điều này, bởi không phải chất lượng dạy-học giảm sút, mà chính là đã làm nghiêm việc tổ chức thi, đánh giá thực chất kết quả. Theo Đại tá Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Biên phòng: Những năm trước, 100% thạc sĩ của học viện đều có kết quả học tập giỏi, xuất sắc, nay có sự phân loại, đánh giá rạch ròi hơn. Việc tạo nguồn đào tạo sau đại học phải qua ôn luyện và các vòng thi nghiêm túc, bảo đảm đúng chất lượng “đầu vào” theo quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo.

Các cơ sở đào tạo sau đại học khác của quân đội đều chú trọng làm tốt công tác thẩm định hồ sơ, tuyển sinh đầu vào, bảo đảm chất lượng đào tạo, thi, bảo vệ chuyên đề, luận văn, luận án. Các trường hợp nghiên cứu sinh quá hạn, chất lượng không đạt yêu cầu, thiếu điều kiện cần thiết… đều đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng cho dừng học tập, nghiên cứu.

Điểm thực chất của trò

Chúng tôi tâm đắc với ý kiến của Đại tá Mai Văn Nhuần, Phó chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 1: Điểm thi phải thực chất là của trò chứ không phải của thầy. Nhà trường khuyến khích thầy-trò nêu cao ý thức tự giác, đồng thời xử lý nghiêm các biểu hiện không lành mạnh trong thi, kiểm tra. Những năm trước, cứ gần mùa thi, từ học viên đến cán bộ, giáo viên…đều “tất bật” lo “quan hệ”; hàng quán quanh trường cũng đông hơn. Nay các khâu từ giảng dạy, học tập, ra đề, bốc thăm đề thi, tổ chức thi, kiểm tra đều nghiêm túc, chính quy, đúng “quy lát”, nên hầu như không ai còn nghĩ đến việc “chạy” hay “xin-cho” điểm. Học viên phải học để có kiến thức, để thi tốt; giáo viên không còn dễ dàng “thao tác”, điều chỉnh điểm được, nên không khí học tập, ôn luyện mùa thi rất nghiêm túc, có động lực rõ ràng.Trao đổi với cán bộ, giáo viên một số học viện, nhà trường, chúng tôi đều nhận được “đáp án” mang tính nguyên tắc: Trò yếu phần nào, thì phải cố gắng học tập, thầy sẽ giúp đỡ, phụ đạo, “cho” kiến thức, phân loại học viên để “đẩy khá, xóa kém” chứ nhất định không “cho” điểm.

Đại tá Lê Minh Tuấn, Trưởng phòng Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết: Thời gian đầu học viện siết chặt kỷ luật, quy chế thi, chấm thi, trả bài… không phải đã tạo được sự đồng thuận hoàn toàn, thậm chí có hiện tượng “mặt nặng mày nhẹ”. Tuy nhiên, khi mọi việc dần đi vào quy củ thì cả thầy, trò và cán bộ quản lý đều cảm thấy đây thực sự là việc cần, không ai còn phải lo “quan hệ” điểm chác…

Trả lời câu hỏi, liệu có còn kẽ hở cho “điểm tình cảm”? Đại tá Nguyễn Xuân Nam, Chủ nhiệm Khoa Biên phòng, Học viện Biên phòng cho rằng: Về cơ bản, các hiện tượng tiêu cực đã được loại trừ bằng đa dạng hóa các hình thức thi. Với phần thi lý thuyết, có cả loại đề cho phép người học mở tài liệu, nhưng yêu cầu của đề bài và cách chấm điểm của giáo viên đặt ra những tiêu chí khắt khe. Khi thi vấn đáp, việc phân công vị trí bàn thi được quyết định ngay trước khi thi và có sự “đảo, đổi”, nên thầy và trò, nếu có ý định “xin-cho” điểm đều khó có thể “kết nối” với nhau được.

Phương pháp tổ chức cho học viên sau khi thi thực hành, thi vấn đáp được ngồi lại cùng “chấm thi” với giám khảo, thầy công bố điểm ngay tại bàn, cũng như việc trả bài, công bố điểm, nhận xét bài thi viết trên lớp là biện pháp hiệu quả thực hiện công khai, dân chủ, công bằng, giúp học viên tự đánh giá kết quả bài thi của mình, của bạn, khắc phục tình trạng tiêu cực trong chấm thi. Một số học viện, nhà trường còn tiến hành phúc tra toàn bộ các bài thi tốt nghiệp đạt điểm giỏi. Mô hình thí điểm tổ chức Phòng Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo như tại Học viện Kỹ thuật Quân sự thời gian qua phát huy hiệu quả tốt, cần được nghiên cứu, rút kinh nghiệm, từng bước nhân rộng.

Bài và ảnh: Quân Thủy- Anh Thu

Chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục tại các cơ sở đào tạo của quân đội (bài 2)

Chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục tại các cơ sở đào tạo của quân đội (bài 1)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét