Khống chế đường huyết để bảo vệ thận


Thận - cơ quan cần được bảo vệ đặc biệt

Từ vài thập kỷ nay, bệnh thận mạn tính, bệnh tăng huyết áp (THA) và tim mạch đã thay thế các bệnh lây nhiễm trong cơ cấu bệnh tật trên toàn thế giới. Đây là một thách thức lớn với sức khỏe cộng đồng và ngân sách của từng quốc gia.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ tử vong do bệnh nhiễm khuẩn sẽ giảm 3%, ngược lại, các bệnh mạn tính - bệnh thận, bệnh tim mạch sẽ tăng 17% trong vài thập niên tới, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Theo Hội Thận học thế giới, hiện nay có trên 500 triệu (chiếm 10%) người trưởng thành trên thế giới bị bệnh thận mạn tính ở các mức độ khác nhau, trong đó trên 1,5 triệu người được điều trị thay thế bằng lọc máu chu kỳ, lọc màng bụng liên tục ngoại trú, ghép thận. Ước tính con số này sẽ tăng gấp đôi trong thập niên tới.

Điều trị thay thế thận rất tốn kém, người nghèo, ở các nước có thu nhập thấp ít có cơ hội được điều trị thay thế thận. Theo thống kê, trên 80% bệnh nhân được điều trị thay thế thận sống ở các nước phát triển. Ở Ấn Độ và Pakistan chỉ đáp ứng được dưới 10% nhu cầu. Ở Mỹ, năm 1999 có 340.000 người suy thận mạn giai đoạn cuối được lọc máu chu kỳ, dự kiến đến năm 2010, con số này sẽ là 650.000 người.

Ở Việt Nam, theo điều tra năm 1990, tỷ lệ suy thận mạn dao động khoảng từ 0,6 - 0,81% tùy từng vùng. Nhu cầu ghép thận khoảng 5,5/100.000 người. Hiện nay có khoảng hơn 5.500 bệnh nhân được lọc máu chu kỳ, hơn 1.100 người được lọc màng bụng liên tục ngoại trú và hơn 300 người được ghép thận. Như vậy chỉ khoảng dưới 10% bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối ở Việt Nam được điều trị thay thế.

Bệnh thận mạn tính liên quan nhiều đến THA, bệnh lý tim mạch và đái tháo đường. Hàng năm có khoảng 12 triệu người tử vong vì biến chứng tim mạch liên quan đến suy thận mạn tính. Theo Hiệp hội đái tháo đường thế giới, năm 2000 có 146 triệu người trên thế giới bị đái tháo đường (ĐTĐ), con số này sẽ tăng lên là 285 triệu người năm 2010 và năm 2030 là 438 triệu người. Ở Việt Nam, tại các trung tâm lọc ngoài thận, số người bị suy thận giai đoạn cuối do ĐTĐ ngày càng tăng.

Năm nay, Ngày thế giới phòng chống bệnh thận mạn tính là ngày 11/3 với chủ đề Cần khống chế đường huyết. Để hưởng ứng, ngành y tế và Hội Thận học tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về biến chứng thận của bệnh ĐTĐ, sự gia tăng bệnh nhân suy thận do ĐTĐ, các biện pháp phòng ngừa và điều trị. Đặc biệt nhấn mạnh: Chế độ ăn uống: hạn chế chất bột, ngọt, đường; Lối sống, sinh hoạt lành mạnh: tránh béo phì, thể dục dưỡng sinh, không hút thuốc; Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần với đo cân nặng, đo huyết áp, xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu, xét nghiệm đường và mỡ máu.

Bệnh thận mạn tính

Theo Hội Thận học Mỹ, bệnh thận được coi là mạn tính khi có sự bất thường về cấu trúc hoặc chức năng thận trên 3 tháng. Lúc đó, trong nước tiểu có protein, creatinin trong máu tăng làm mức lọc cầu thận giảm và mô học thận, siêu âm thận thay đổi.

Các giai đoạn của bệnh

Dựa vào creatinin máu từ đó suy ra mức lọc cầu thận theo các công thức Gault - Cockcroft hoặc MDRD, Hội Thận học Mỹ và Hội đồng về cải thiện tiên lượng bệnh lý thận toàn cầu phân loại bệnh thận mạn tính có 5 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Tổn thương thận với mức lọc cầu thận bình thường hoặc tăng lớn hơn hay bằng 90ml/phút/1,73m2.

Giai đoạn 2: Tổn thương thận với mức lọc cầu thận giảm nhẹ từ 60 - 89 ml/phút/1,73m2.

Giai đoạn 3: Mức lọc cầu thận giảm vừa từ 30 - 59ml/phút/1,73m2.

Giai đoạn 4: Mức lọc cầu thận giảm nặng từ 15 - 29 ml/phút/1,73m2.

Giai đoạn 5: Suy thận giai đoạn cuối. Mức lọc cầu thận nhỏ hơn 15 ml/phút/1,73m2.

Tùy theo mức độ suy thận để chọn phương pháp điều trị thích hợp. Từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 4 chỉ điều trị bảo tồn. Nếu suy thận giai đoạn cuối, điều trị bảo tồn không hiệu quả, cần điều trị thay thế bằng lọc máu chu kỳ, lọc màng bụng liên tục ngoại trú hoặc ghép thận.

Phòng ngừa bệnh thận mạn tính: Cần điều trị tốt viêm cầu thận cấp, sỏi đường tiết niệu; Tránh béo phì, thừa cân; Kiểm soát tốt THA, ĐTĐ, rối loạn mỡ máu; Chế độ ăn uống thích hợp: ít muối, thành phần hợp lý, không lạm dụng bia, rượu; Không hút thuốc.

Tóm lại, phòng ngừa bệnh thận là nhiệm vụ của từng người. Chúng ta cần có đủ kiến thức nhằm phát hiện bệnh, điều trị đúng hướng để diễn biến chậm đến suy thận mạn giai đoạn cuối.

PGS.BS. Trần Văn Chất

(Phó Chủ tịch Hội Tiết niệu - thận học Việt Nam)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét