Những người trẻ mắc bệnh 'than'


Xin nói ngay, bệnh "than" ở đây là bệnh tâm lý. Gặp nhau là kể lể, than vãn với những lý do trên trời dưới biển. Than theo phong trào, than cho đỡ… buồn đang là câu cửa miệng của không ít người trẻ.

Không than là lạc hậu

Blogger Hotbaby_lovely mở đầu cho trang nhật ký online bằng dòng tít “Chán như con gián” sau đó là một loạt lý do vì sao chán: Ngày nào cũng học năm tiết căng đầu, học thêm, học bớt, còn mỗi buổi tối thì…học cho ngày mai. Ớn quá! Không! Quá ớn mới đúng…

Tiếp sau lời mở đầu của “chủ nhân”, hàng loạt blog khác cùng ào vào tỏ ý đồng tình với hàng trăm comment sướt mướt. Blogger có tên catvangbx nhấn mạnh “ừ, cố lên em, ngày chị học cũng chán y như thế. Vì mất tự do, giờ lên đại học tưởng được thoải mái hơn không ngờ còn kinh khủng hơn trước nhiều. Chán thật, đời là bể khổ mà!”.

Than vãn lây lan thành phong trào, thành căn bệnh nghiện than vãn của giới trẻ.

Đinh Thị Thùy Dương, sinh viên trường ĐH Quốc tế Sài Gòn cho biết, trong nhóm bạn chơi cùng Dương ai cũng học khá, chuyện gia đình, bạn bè đều bình thường nhưng hay tìm đủ lý do để than. “Cứ gặp nhau là xúm lại kể lể rồi than vãn. Lâu dần, trở thành một thói quen không bỏ được, thậm chí ai trong nhóm mà không than là lạc hậu so với bạn bè ”.

Chào nhau bằng “chán”

Thường xuyên tiếp xúc với các teen là học sinh phổ thông, Hạnh Lê- biên tập viên báo VTM nhận xét, than chán dường như là căn bệnh trầm kha của phần đông người trẻ, có những bạn cứ mở miệng là than mặc dù không có lý do gì để than nên gọi đó là bệnh than theo phong trào.

Viết blog, đặt trên status, hay nhắn tin than vãn với bạn bè, đồng nghiệp đang là những cách phổ biến mà những người nghiện than vãn này thể hiện.

“Dạo này có gì mới không/ Không, chán lắm” - là câu trả lời cửa miệng của Vũ Bảo - SV khoa Địa lý trường ĐHKH -XHNV TPHCM, đến nỗi bạn bè đặt cho anh chàng này biệt hiệu “chán trường kỳ”.

Không những với giới teen, sinh viên, một bộ phận “cư dân văn phòng” cũng mắc chứng than kinh niên.

Chị Phạm Thanh Loan - công ty tư vấn du học Đại Đông Dương ví dụ, nếu than lương thấp, điều kiện làm việc không lý tưởng còn là lý do chính đáng, đằng này có những lý do rất... phi lí cũng đem ra để than. “Mới đây, tôi hỏi một ứng viên vì sao lại bỏ công việc cũ, ứng viên này buột miệng trả lời ngay “chán quá” khiến tôi bất ngờ và quá hụt hẫng.

Theo tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy, nghiện than chán là hậu quả còn lại của những nắng mưa thất thường thời kỳ tuổi dậy thì. Nhưng dù ở lứa tuổi nào cũng cần sự gần gũi của cha mẹ, bạn bè và những người thân.

Khi cuộc sống căng thẳng, nhiều áp lực, không đạt được mục tiêu đề ra cũng dễ chán nản, than vãn. Khi nhận ra những mâu thuẫn giữa hiện thực và lý tưởng, giữa khả năng và mong ước dễ dẫn đến sự thương tổn về niềm tin và khủng hoảng về giá trị tinh thần. Nhưng nếu triền miên trong sự chán chường thì không thể có ý chí vươn lên và khó tránh khỏi những ý nghĩ tiêu cực trong cuộc sống.

Theo Đặng Trinh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét