Nóng vội nghiên cứu tế bào gốc có thể nảy sinh gian dối


“Không nên có những đòi hỏi quá nóng vội. Điều đó sẽ đẩy nhà khoa học vào bệnh thành tích hoặc nảy sinh gian dối trong nghiên cứu...”. Thạc sĩ Phan Kim Ngọc, trưởng Phòng thí nghiệm tế bào gốc, ĐH Quốc gia TP HCM, cho biết như vậy về hướng phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc ở Việt Nam hiện nay.

- Lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Dù vậy, các nhà khoa học Việt Nam đã có những thí nghiệm đáng chú ý như: tạo cá ngựa vằn phát sáng bằng công nghệ chuyển gene, tạo ra tinh trùng chuột từ tế bào mầm sinh dục thu nhận từ tinh hoàn chuột, tạo ra bò con từ tế bào trứng đông lạnh... Từ những kết quả này, có thể kỳ vọng gì vào việc ứng dụng nghiên cứu tế bào gốc trong đời sống?

- Tôi cho rằng, việc nghiên cứu tế bào gốc ở Việt Nam còn quá mới, chỉ năm năm trở lại đây thôi... Do hoạt động còn nhiều tự phát thì chưa thể tính chuyện tập trung. Dù mới, nhưng việc nghiên cứu tế bào gốc hiện có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt là các kết quả nghiên cứu mở ra những ứng dụng tế bào gốc trong y học tái tạo đưa lại những kết quả nhân bản.

Ông Trần Văn Bé và các cộng sự ở Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP HCM là những người đầu tiên bước vào lĩnh vực tế bào gốc máu dây rốn (năm 2000). Nhiều bệnh nhân bị bệnh máu ác tính được điều trị bằng ghép tế bào gốc tại đây. Hiện nay, một số nhóm nghiên cứu tế bào gốc đã được hình thành ở TP HCM và Hà Nội, chủ yếu tập trung nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc vào điều trị một số bệnh lý giác mạc, bệnh cơ tim, vết thương da, đái tháo đường… Hai ngân hàng tế bào gốc đang hoạt động ổn định ở TP HCM, tạo thuận lợi cho các nghiên cứu và ứng dụng trong các năm sắp tới.

- Lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc ở Việt Nam đã có một số kết quả bước đầu, dù khiêm tốn, nhưng cũng đã được giới chuyên môn thừa nhận. Tuy nhiên, những chuyên gia về lĩnh vực tế bào gốc ở ta chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ông nghĩ sao về việc này?

- Đúng là số chuyên gia trong lĩnh vực này không nhiều nhưng quanh họ, có rất nhiều cộng sự có đam mê, có nhiệt huyết nên đây không phải là điều đáng lo ngại. Nhất là lĩnh vực tế bào gốc hiện vẫn chỉ đang ở giai đoạn bắt đầu, vẫn còn là một phần trong nghiên cứu công nghệ sinh học. Một điều quan trọng không kém là các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực này có mối liên hệ với nhau rất chặt chẽ nên có nhiều lợi thế rút ngắn giai đoạn, không bị giẫm đạp nghiên cứu, lãng phí chất xám.

- Nguồn nhân lực, vật lực đầu tư cho tế bào gốc không ít. Liệu lĩnh vực này đã đạt kết quả như mong đợi?

- Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc ở Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng cần được định hướng chiến lược đúng đắn, tập trung nhân lực, tăng cường đầu tư nhiều hơn và nhanh hơn để tạo thuận lợi cho những nghiên cứu bứt phá, đem lại những hiệu quả thực sự.

Nếu có những giải pháp tổ chức sáng tạo hơn thì hoàn toàn có thể hy vọng trong 10 năm sau, các nhà khoa học về tế bào gốc ở Việt Nam sẽ có những sản phẩm khoa học có giá trị, ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới.

Khi tôi thăm, làm việc ở ĐH Quốc gia Đài Loan, họ cho biết, để phát triển, họ phải có nhiều năm quá độ, xây dựng về mọi mặt. Tôi cho rằng chúng ta không nên có những đòi hỏi quá nóng vội. Không cẩn thận dễ đẩy nhà khoa học vào bệnh thành tích hoặc nảy sinh gian dối trong nghiên cứu. Để phát triển nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc, Nhà nước cần có chính sách mở trong nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc phôi người, trên nguyên tắc: vì lợi ích của con người, vì sự phát triển của khoa học, không lạm dụng, không vụ lợi.

- Những kết quả của nhóm nghiên cứu do ông phụ trách có sự đóng góp không nhỏ của các nhà khoa học trẻ. Ông đánh giá như thế nào về đội ngũ kế thừa này?

- Tôi nhận ra rằng, chúng ta đã rất lãng phí một nguồn tài nguyên quý, đó là lực lượng khoa học trẻ. Rất nhiều em giỏi, có khát vọng lập nghiệp bằng con đường khoa học. Vấn đề là làm sao tuyển chọn được những em tốt nhất trong khi cơ chế tuyển dụng biên chế của Nhà nước lại rất khó khăn. Hơn nữa, khi tuyển chọn rồi, làm sao để các em có được những điều kiện tạm ổn để sống và làm việc (nhất là các em học từ nước ngoài về).

Khi tập hợp các em lại, tôi luôn tâm niệm mấy nguyên tắc sau: Phải thật sự tin tưởng và trân trọng các em, để các em được tự do sáng tạo; phải thật sự dân chủ; làm sao để các em thấy được, “sờ nắn” được quyền lợi và tương lai của mình. Đặc biệt, phải xây dựng được tính chuyên nghiệp trong suy nghĩ và trong công việc.

- Ông thường khuyến khích các nhà nghiên cứu trẻ làm thêm ở nơi khác, vì sao vậy?

- Tôi luôn khuyến khích cán bộ trẻ làm việc thêm với các cơ sở nghiên cứu khác, các công ty trong và ngoài nước (tất nhiên họ phải có cùng kỹ thuật, cùng hướng nghiên cứu, hướng sản phẩm, cùng ý tưởng hoặc cùng chuyên môn) với nguyên tắc mang về chứ không mang đi. Nghĩa là phải học hỏi được người ta, quảng bá được thành quả của mình và phải gìn giữ được thành quả của mình. Điều này có nhiều cái lợi như: tăng thêm thu nhập, kinh nghiệm sống, làm việc cho cán bộ trẻ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét