Quá nhiều sức ép từ bệnh thành tích


TT - Dù với lý do gì, việc áp dụng những hình phạt phản sư phạm đều không thể chấp nhận. Tuy nhiên, các chuyên gia, các nhà quản lý và hàng trăm bạn đọc đã email về Tuổi Trẻ thống nhất rằng giáo viên cũng đang chịu nhiều áp lực nặng nề, trong đó có áp lực không nhỏ từ bệnh thành tích.

Người thầy ngày nay luôn phải chịu một áp lực lớn về thành tích học tập của học sinh, mặc dù bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã tuyên bố chống bệnh thành tích. Thực tế hầu như chưa thay đổi. Trong các báo cáo tổng kết, các hội nghị thi đua, người ta vẫn nêu bật yếu tố bao nhiêu học sinh giỏi, bao nhiêu học sinh lên lớp... Làm giáo viên, ai không muốn trường mình, lớp mình đạt thành tích cao. Thành tích gắn liền với danh hiệu thi đua, với việc tăng lương trước thời hạn, với tiền thưởng.

Còn không có thành tích sẽ có nguy cơ bị chuyển đi vùng sâu, vùng xa. Từ nguồn gốc sâu xa đó, giáo viên luôn cảm thấy bức bách, nhất là khi học trò không chịu học bài. Trong lúc bức bách họ quên đi quy chế, quên đi những hình phạt đáng lẽ không được phép áp dụng với học trò.

Trước sức ép thành tích, người thầy không còn con đường nào khác ngoài việc trổ hết tài năng, “mưu lược” để đạt được chất lượng bộ môn cao vào cuối năm học. Có nhiều cách để đạt được điều đó, mỗi thầy cô đều có giải pháp riêng của mình.

Nhiều thầy cô chọn cách hò hét trong mỗi tiết học (la mắng, hăm dọa, miệt thị học sinh). Nhóm thứ hai nhẹ nhàng, dịu dàng, thuyết phục học sinh, thậm chí dỗ dành các học sinh cá biệt. Nhóm thứ ba giảng dạy bình thường, phớt lờ những học sinh ngỗ nghịch. Đặc điểm của những lớp này là thường xuyên ồn ào, mạnh thầy thầy dạy, mạnh trò trò nói chuyện. Cuối năm cố gắng để học sinh đạt 5,0 điểm (đủ điểm lên lớp).

Nhóm giáo viên khác chọn giải pháp thứ tư kết hợp tất cả các giải pháp trên: la rầy học sinh, dỗ dành những học sinh cá biệt, hôm nào mệt không đủ sức gào thét thì phớt lờ, cho qua nhưng phải đảm bảo học sinh cuối năm được 5,0 điểm. Đây là giải pháp của những thầy cô giáo trẻ có lương tâm, trách nhiệm.

Một số chọn giải pháp cuối cùng là chấp nhận bị kỷ luật của cấp trên để đảm bảo học trò nào học hành nghiêm túc có điểm tốt; học trò lười, hỗn, ngỗ ngược sẽ bị điểm kém. Tuy nhiên, chỉ có những giáo viên công tác lâu năm, hệ số lương cao, có chuyển công tác vẫn không hề gì mới dám chọn giải pháp này.

Tôi là một nhà giáo sắp về hưu, kinh nghiệm và lòng nhiệt tình với nghề ngày nào đã cạn khi mà chính nghề đã dần biến tôi thành chai lì với những diễn biến, chỉ đạo, chỉ tiêu... của ngành! Hằng năm, vào đầu năm học khi tiếp nhận công tác chủ nhiệm học sinh lớp mới, không riêng tôi mà các bạn đồng nghiệp đều ngao ngán với cái “thành tích ảo” mà giáo viên năm cũ đưa lên. Áp lực đầu năm về trách nhiệm ấy quá lớn đeo đẳng chúng tôi suốt năm học.

Kèm theo đó chúng tôi phải dạy an toàn giao thông, lồng ghép giáo dục bảo vệ môi trường, tham gia công tác ngoại khóa, dạy chuyên đề, hội giảng... Chưa kể các loại hồ sơ sổ sách, giáo án quy định bắt buộc chúng tôi phải làm. Tất cả những điều ấy luôn ám ảnh chúng tôi mỗi khi bước chân vào lớp, cộng hưởng với khó khăn cuộc sống... khiến việc học sinh nghịch ngợm, quậy phá dễ làm phát sinh những hình phạt quá đáng đối với các em.

Từ thực tế, nhiều đồng nghiệp chúng tôi đã vi phạm và ngậm ngùi bước chân ra khỏi ngành dù họ đầy nhiệt huyết, năng lực và trách nhiệm cao đối với học sinh. Ai cảm thông với họ khi chúng ta chỉ nhìn “lỗi” của họ trên khía cạnh luật pháp.

Ông Trần Văn Đại Lợi

(phó hiệu trưởng Trường THPT tư thục Thái Bình, TP.HCM):

Ngoài áp lực chương trình, phương pháp thi cử, tại một số đơn vị, chính cán bộ quản lý đã tạo thêm gánh nặng cho giáo viên. Ví dụ khi dự giờ, có cán bộ quản lý đã truy vấn giáo viên: “Anh, chị không nhắc đến đoạn này đoạn kia trong bài”. Họ không hiểu được chương trình nặng như hiện tại mà giáo viên ôm đồm thì làm sao tải nổi. Có thể trong tiết dạy họ bỏ một vài đoạn nội dung nhưng có cách nhấn để học sinh tò mò, về nhà tự đọc thêm phần đó. Như thế mới là nghệ thuật giảng dạy.

Tôi thấy ở nhiều trường công lập, năm nào giáo viên cũng phải viết sáng kiến kinh nghiệm rồi sau đó nhà quản lý “quăng” đi đâu không biết - vừa mất sức vừa mất thời gian lại không hiệu quả. Chưa kể mỗi giáo viên ngày ngày đều phải lo cơm, áo, gạo, tiền vốn đang hết sức khó khăn.

ThS Lý Minh Tiên

(giảng viên khoa tâm lý - giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):

Giáo viên luôn phải chịu vô số áp lực và những áp lực ấy ngày càng tăng bởi xã hội đòi hỏi ngày càng cao hơn, học sinh ngổ ngáo hơn (tôi từng chứng kiến nhiều em có thái độ ngông nghênh, không coi thầy cô ra gì)... Đánh hay trách phạt học trò một cách nặng nề không phải là biện pháp tốt nhất trong giáo dục. Thế nhưng, trong một số tình huống, đối với vài học sinh cá biệt, quá cứng đầu, đi cùng với tình cảm, sự khuyên răn nhẹ nhàng cần có những hình phạt.

Vấn đề là hình phạt ấy phải xuất phát từ tình yêu thương học trò của nhà giáo. Cách đây không lâu, tôi đã nghe chuyện một giáo viên tiểu học đánh học sinh vì em này học kém quá, cô phụ đạo mãi mà không tiến bộ, em lại không thèm học bài nữa. Xuất phát từ cái tâm rất tốt mà chỉ một phút sai lầm (ở đây tôi hiểu cô giáo ấy đã bị tai nạn nghề nghiệp), giáo viên vẫn bị kỷ luật đình chỉ công tác một thời gian.

* Tin bài liên quan:

>> “Chúng tôi đã cân nhắc kỹ việc kỷ luật thầy B.”

>> Buộc thôi việc thầy giáo bắt học sinh thụt dầu 100 cái

>> Học sinh nhập viện vì bị thụt dầu 100 lần

====================================================================

Bạn có ý kiến ra sao về vấn đề này? Hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cảm ơn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét