Rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi


Người cao tuổi hay mất ngủ do đau mãn tính ở khớp hay cột sống, dị ứng về đêm, rối loạn nhịp tim, suy tim, trào ngược thực quản, tiểu đêm nhiều lần, bệnh nội tiết...

Người cao tuổi bị mất ngủ hay than phiền giấc ngủ trong đêm ngắn dưới 4 giờ, thời gian ngủ không đủ, khó đi vào giấc ngủ nên ngủ rất khuya, hay đi vào giấc ngủ dễ nhưng thức giấc rất sớm, sau đó trằn trọc suốt đêm đến sáng. Ban ngày người bệnh than phiền mệt mỏi, lừ đừ không muốn làm việc gì.

Ngủ không đủ giấc

Nguyên nhân gây mất ngủ là do môi trường xung quanh không yên tĩnh, dùng các chất gây hưng phấn trước khi ngủ như: trà, cà phê, nước ngọt có gas... hay một số loại thuốc như Amphetamin, Methylphenidate... Một số người có thói quen uống ít rượu trước khi ngủ đến khi ngưng đột ngột cũng có thể gây mất ngủ, hay những trường hợp dùng thuốc an thần lâu ngày khi ngưng thuốc đột ngột cũng gây mất ngủ.

Ngoài ra, người cao tuổi hay mất ngủ còn do tình trạng đau mãn tính ở khớp hay cột sống, dị ứng về đêm, khó thở khi ngủ, chứng co giật chân khi ngủ, rối loạn nhịp tim dạng ngoại tâm thu, suy tim, trào ngược thực quản, tiểu đêm nhiều lần, bệnh nội tiết như hội chứng cushing, cường tuyến giáp trạng...

Người cao tuổi dễ bị rối loạn giấc ngủ do các bệnh mãn tính. Ảnh: N.PHƯƠNG

Tình trạng mất ngủ xảy ra cũng do tác dụng phụ của thuốc trị chứng các bệnh khác như thuốc trị cao huyết áp nhóm tác dụng lên hệ thần kinh trung ương, hay các thuốc trị trầm cảm... Ở người trung niên và cao tuổi, trầm cảm cơ thể là nguyên nhân gây mất ngủ, đặc biệt là lúc gần sáng.

Các nguyên nhân khác nữa là do tình trạng lo âu mãn tính kéo dài bị những cơn ác mộng xảy ra trong giấc ngủ nhanh, tình trạng không vận động thể lực, không tập thể dục hay chơi thể thao, người lao động trí óc không chú ý đến rèn luyện thân thể...

Đảo lộn giấc ngủ

Ở người cao tuổi cũng dễ xảy ra tình trạng đảo lộn giấc ngủ, không ngủ được vào ban đêm mà ngủ vào ban ngày. Người bệnh không ngủ được vào ban đêm và cả ban ngày cũng bị đảo lộn giấc ngủ. Ban đêm người bệnh rất tỉnh táo, cơ thể làm việc bình thường, trong khi mọi người đang ngủ.

Tình trạng đảo lộn giấc ngủ hay gặp ở người già do rối loạn chức năng hoạt động tại não đang trong quá trình lão hóa hoặc xảy ra sau tai biến mạch máu não hoặc một cơn bệnh nặng...

Việc điều trị để đưa giấc ngủ trở về đêm như bình thường bằng cách không cho người bệnh ngủ vào ban ngày. Nếu ban đêm không ngủ được, có thể dùng thêm ít thuốc an thần, sau đó giảm liều an thần trong vài ngày đến vài tuần cho đến khi ngủ được bình thường thì ngưng thuốc an thần.

Ở bệnh nhân rối loạn giấc ngủ kéo dài, quá trình khôi phục sức khỏe không được đầy đủ làm cho người bệnh thường xuyên thấy mệt nhọc, yếu đuối và có những triệu chứng khác như bần thần, chóng mặt, hay quên, bi quan, chán ăn... Rối loạn giấc ngủ kéo dài gây ra suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh.

Những cách khắc phục tình trạng mất ngủ

Nên tập thể dục, chơi thể thao vào buổi sáng. Cân bằng giữa lao động trí óc, lao động tay chân, thư giãn giải trí. Tạo môi trường tuyệt đối yên tĩnh, không có ánh sáng khi ngủ.

Dùng những yếu tố vật lý cơ thể gây ngủ như tiếng động đều đều, tiếng mưa rơi, tiếng lá xạc xào, tiếng hát ru... Chủ động thư giãn cơ thể không suy nghĩ miên man tập trung vào nhịp thở, đếm số 1, 2, 3 để tự gây ức chế ở vỏ não, làm cho cơ thể dễ chìm vào giấc ngủ. Ngoài ra, nên điều trị các bệnh khác như đau nhức, dị ứng, bệnh tim mạch...

Cần chú ý trong việc tạo giấc ngủ bằng thuốc an thần, tùy theo kiểu mất ngủ, thầy thuốc sẽ chọn những loại thuốc thích hợp, không nên tự dùng thuốc ngủ, dễ làm cho cơ thể bị nghiện, thậm chí bị ngộ độc thuốc ngủ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét