Trẻ phù tránh ăn mặn


Trẻ bị phù là do hiện tượng ứ dịch trong mô gây sưng những phần khác nhau của cơ thể, thường gặp nhất ở hai chân, tuy nhiên mặt, hai tay cũng có thể gặp

Phù có thể tại chỗ hay toàn thân. Theo bác sĩ Trần Thị Hương, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, có rất nhiều nguyên nhân gây ra phù, như đứng hay ngồi quá lâu, ăn quá mặn, suy dinh dưỡng, bệnh thận, bệnh tim, bệnh gan, bệnh phổi, dị ứng.

Triệu chứng của phù rất khác nhau tùy vào nguyên nhân gây bệnh và vị trí bị phù, nhưng nhìn chung da trên vùng bị phù sưng phồng lên, căng bóng và màu da vùng đó hơi nhợt nhạt, khi ấn nhẹ lên vùng da bị phù khoảng 15 giây sẽ để lại một vết lõm. Những triệu chứng khác có thể đi kèm như: tăng cân nhanh, tiểu ít, vàng da, khó thở, ngứa...

Nếu trẻ có triệu chứng phù nên đưa đi khám ngay một bác sĩ chuyên khoa nhi. Khi đó bác sĩ sẽ khám và cho làm xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, x-quang phổi hay điện tâm đồ... tùy vào nguyên nhân gây ra phù. Việc điều trị phù tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và trẻ cần một chế độ ăn ít muối, tránh uống nước quá nhiều, đặt một cái gối dưới chân khi nằm, không nên ngồi hay đứng một chỗ quá lâu. Đôi khi để làm giảm triệu chứng bác sĩ có thể kê toa thuốc lợi tiểu cho trẻ.

Bác sĩ Trần Thị Hương lưu ý vùng da bị phù cần phải được bảo vệ để tránh những chấn thương, áp lực hay nhiệt độ, do những vùng da này rất dễ tổn thương. Vết cắt, cào xước, hay phỏng trên những vùng da này thường lâu lành hơn bình thường và rất dễ bị nhiễm trùng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét