'Duy trì chuẩn nghèo thấp không phải vì bệnh thành tích'


Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội Trương Thị Mai khẳng định, nếu chuẩn nghèo chưa thay đổi trong điều kiện trượt giá hiện nay thì tỷ lệ hộ nghèo 11% không phản ánh đúng thực chất.

Trên diễn đàn Quốc hội, đánh giá về tình hình kinh tế xã hội năm nay, rất nhiều đại biểu cho rằng tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 11% (khoảng 2 triệu hộ), không phản ánh thực chất. Số người nghèo trong xã hội không giảm, thậm chí còn gia tăng do tác động của lạm phát và sau đó là suy giảm kinh tế. VnExpress.net đã trao đổi với Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai về vấn đề này.

- Báo cáo trước Chính phủ, Ủy ban Kinh tế đã khẳng định tỷ lệ hộ nghèo năm nay còn 11% là không đúng thực chất. Xin bà giải thích ý này?

- Nếu theo chuẩn nghèo ban hành năm 2005 (200.000-260.000 đồng một người một tháng tương ứng với khu vực nông thôn và thành thị) đến năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 10% thì mình đạt được mục tiêu 5 năm. Nhưng nếu chỉ căn cứ trên số lượng thì không thể đánh giá một cách đầy đủ. Từ đó đến nay có sự biến động rất lớn về kinh tế, lạm phát tăng cao trong một số năm, rồi sau đó là suy giảm kinh tế, trượt giá vào khoảng 40%.

Đến thời điểm này theo báo cáo Chính phủ chúng ta có khoảng 1 triệu hộ cận nghèo. Nếu chuẩn nghèo được nâng lên thì tôi nghĩ 1 triệu hộ này sẽ có một bộ phận là người nghèo, nhưng họ không có chính sách gì, ngoài việc hỗ trợ 50% mua bảo hiểm y tế. Vì chỉ gặp một trận thiên tai, hay ốm đau thì họ lại rơi vào nghèo. Nhưng vì chuẩn của ta thấp quá nên họ đang ở trong diện cận nghèo.

Vì vậy, nếu chuẩn nghèo chưa thay đổi trong điều kiện trượt giá như thế này thì chắc chắn tỷ lệ 11% của năm nay hay 10% của năm sau đều không phản ánh đúng thực chất. Giữa Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Các vấn đề xã hội đã trao đổi để đưa ra nhận định này.

- Đầu năm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đề nghị nâng chuẩn nghèo lên 300.000-390.000 đồng một người một tháng tương ứng với khu vực nông thôn và thành thị, nhưng không được chấp nhận. Phía Chính phủ đã giải thích thế nào về việc này?

- Chính phủ đang tập trung cho những chính sách đang có để mà vượt qua suy giảm kinh tế, vì vậy chuẩn nghèo được chuẩn bị mấy lần rồi, nhưng đến thời điểm này chưa đưa ra được. Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội đã giải thích nguyên nhân khách quan, chủ quan, và đụng chạm đến một số chính sách. Nhưng tôi nghĩ quan trọng nhất là đang đụng đến ngân sách của chúng ta, hai vấn đề này quan hệ chặt chẽ với nhau. Năm nay ta bội chi khoảng 6,9%, năm 2010 dự kiến bội chi khoảng 6,5%.

- Có ý kiến cho rằng duy trì chuẩn nghèo thấp nhằm đạt được mục tiêu giảm nghèo là mắc bệnh thành tích. Bà nghĩ sao trước ý kiến này?

- Không phải vì bệnh thành tích. 5 năm trước (2001-2005) tình hình kinh tế tương đối ổn định, chuẩn nghèo phản ánh đúng thực chất. Nhưng từ 2006-2010 do tình hình kinh tế xã hội hoàn toàn khác, chuẩn nghèo ban hành cuối năm 2005 điều chỉnh không kịp, hoặc không linh hoạt vì vậy mà kết quả giảm nghèo chưa phản ánh đầy đủ. Đến giờ phút này Chính phủ đã báo cáo với Ủy ban Các vấn đề xã hội, bắt đầu từ năm 2011 mới có thể công bố chuẩn nghèo mới.

- Theo bà, để phản ánh đúng số người nghèo trong xã hội, chuẩn nghèo nên thay đổi thế nào?

- Có lẽ chúng ta nên cho phép một sự linh hoạt. Khi có chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo tôi nghĩ sẽ nhích lên, nhưng chỉ mang tính chất cục bộ. Trước đây tỷ lệ hộ nghèo tới 51%, quá đông trong xã hội, nên ta dùng phương pháp mang tính chất phổ biến, áp đặt xuống thì phù hợp, còn bây giờ số người nghèo tập trung vào vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số, vào nhóm dễ bị tổn thương ở đô thị do tác động của nền kinh tế thị trường. Cũng có thể một số rơi vào vùng thiên tai, tái nghèo. Mang tính chất cục bộ, điều kiện khác nhau để áp đặt một chuẩn nghèo chung cho cả nước thì không phù hợp. Mỗi vùng tiêu chí đánh giá chuẩn nghèo phải khác nhau, chuẩn cũng phải khác nhau.

- Báo cáo đánh giá giữa kỳ chương trình giảm nghèo quốc gia giai đoạn 2006-2010, Viện Khoa học lao động xã hội cho rằng có 10% người không phải diện nghèo, nhưng vẫn hưởng chính sách hộ nghèo. Bà bình luận thế nào về tỷ lệ này?

- Tổ chức Liên Hợp Quốc đánh giá tỷ lệ này là thấp so với thế giới. Tất cả nước cùng trình độ phát triển như Việt Nam, khi đưa ra các chính sách giảm nghèo đều có một tỷ lệ rơi vãi, khó tránh khỏi. Vì bộ máy chúng ta đi song đôi, đồng bộ với nền kinh tế. Ở mức độ kinh tế chưa phát triển thì chúng ta không thể đòi hỏi bộ máy năng lực vượt qua các nước phát triển. Vì vậy mà có những hạn chế trong quá trình đưa chính sách đến đối tượng.

- Chính phủ đang áp dụng rất nhiều chính sách như nghị quyết 30, 30a cho người nghèo. Theo bà, những chính sách đó tác động thế nào tới mục tiêu giảm nghèo?

- Trong điều kiện nguồn lực của đất nước không phải vô hạn, thành ra muốn đạt được hiệu quả thì phải xem xét, bố trí nguồn lực cho hợp lý hơn. Chúng ta có quá nhiều chính sách, giải ra nhiều cơ quan, thì nguồn lực đã ít rồi lại còn bị phân tán, chắc chắn hiệu quả không thể đạt như mong muốn. Có thể chúng ta đạt được kết quả giảm nghèo, nhưng giảm nghèo bền vững là một mục tiêu rất quan trọng thì chúng ta vẫn chưa đánh giá được.

- Vậy theo bà, để giảm nghèo bền vững, thời gian tới cần khắc phục những bất cập gì?

- Phải nghiên cứu lại tiêu chí chuẩn nghèo. Nếu chỉ căn cứ vào thu nhập là không phải, vì vậy đưa xuống bình xét ở địa bàn dân cư thì gặp một số khó khăn. Việc hỗ trợ người nghèo trong đợt Tết vừa qua với nhiều sai phạm đã cho thấy điều đó. Phải nghiên cứu một số tiêu chí khác để cho chuẩn nghèo sát thực hơn, hợp lý hơn.

Thứ hai, chương trình giảm nghèo giải ra quá nhiều cơ quan, có sự phân tán, thậm chí trùng lặp. Ví dụ chương trình 135 ba bốn bộ cùng tham gia, nên việc đánh giá hiệu quả còn khó khăn, vì bộ nào đánh giá theo bộ đó, không có cơ quan đầu mối đánh giá tổng thể chính sách tác động giảm nghèo, không chỉ tác động trực tiếp, mà còn gián tiếp qua các chương trình phát triển kinh tế xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo giảm không phải mỗi chính sách cho hộ nghèo, mà còn tổng thể cả chính sách kinh tế xã hội, sự tăng trưởng của nền kinh tế, cơ sở hạ tầng và nhiều vấn đề khác tác động vào.

Hồng Khánh thực hiện


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét