Khống chế đường huyết để bảo vệ thận


Thận - cơ quan cần được bảo vệ đặc biệt

Từ vài thập kỷ nay, bệnh thận mạn tính, bệnh tăng huyết áp (THA) và tim mạch đã thay thế các bệnh lây nhiễm trong cơ cấu bệnh tật trên toàn thế giới. Đây là một thách thức lớn với sức khỏe cộng đồng và ngân sách của từng quốc gia.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ tử vong do bệnh nhiễm khuẩn sẽ giảm 3%, ngược lại, các bệnh mạn tính - bệnh thận, bệnh tim mạch sẽ tăng 17% trong vài thập niên tới, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Theo Hội Thận học thế giới, hiện nay có trên 500 triệu (chiếm 10%) người trưởng thành trên thế giới bị bệnh thận mạn tính ở các mức độ khác nhau, trong đó trên 1,5 triệu người được điều trị thay thế bằng lọc máu chu kỳ, lọc màng bụng liên tục ngoại trú, ghép thận. Ước tính con số này sẽ tăng gấp đôi trong thập niên tới.

Điều trị thay thế thận rất tốn kém, người nghèo, ở các nước có thu nhập thấp ít có cơ hội được điều trị thay thế thận. Theo thống kê, trên 80% bệnh nhân được điều trị thay thế thận sống ở các nước phát triển. Ở Ấn Độ và Pakistan chỉ đáp ứng được dưới 10% nhu cầu. Ở Mỹ, năm 1999 có 340.000 người suy thận mạn giai đoạn cuối được lọc máu chu kỳ, dự kiến đến năm 2010, con số này sẽ là 650.000 người.

Ở Việt Nam, theo điều tra năm 1990, tỷ lệ suy thận mạn dao động khoảng từ 0,6 - 0,81% tùy từng vùng. Nhu cầu ghép thận khoảng 5,5/100.000 người. Hiện nay có khoảng hơn 5.500 bệnh nhân được lọc máu chu kỳ, hơn 1.100 người được lọc màng bụng liên tục ngoại trú và hơn 300 người được ghép thận. Như vậy chỉ khoảng dưới 10% bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối ở Việt Nam được điều trị thay thế.

Bệnh thận mạn tính liên quan nhiều đến THA, bệnh lý tim mạch và đái tháo đường. Hàng năm có khoảng 12 triệu người tử vong vì biến chứng tim mạch liên quan đến suy thận mạn tính. Theo Hiệp hội đái tháo đường thế giới, năm 2000 có 146 triệu người trên thế giới bị đái tháo đường (ĐTĐ), con số này sẽ tăng lên là 285 triệu người năm 2010 và năm 2030 là 438 triệu người. Ở Việt Nam, tại các trung tâm lọc ngoài thận, số người bị suy thận giai đoạn cuối do ĐTĐ ngày càng tăng.

Năm nay, Ngày thế giới phòng chống bệnh thận mạn tính là ngày 11/3 với chủ đề Cần khống chế đường huyết. Để hưởng ứng, ngành y tế và Hội Thận học tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về biến chứng thận của bệnh ĐTĐ, sự gia tăng bệnh nhân suy thận do ĐTĐ, các biện pháp phòng ngừa và điều trị. Đặc biệt nhấn mạnh: Chế độ ăn uống: hạn chế chất bột, ngọt, đường; Lối sống, sinh hoạt lành mạnh: tránh béo phì, thể dục dưỡng sinh, không hút thuốc; Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần với đo cân nặng, đo huyết áp, xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu, xét nghiệm đường và mỡ máu.

Bệnh thận mạn tính

Theo Hội Thận học Mỹ, bệnh thận được coi là mạn tính khi có sự bất thường về cấu trúc hoặc chức năng thận trên 3 tháng. Lúc đó, trong nước tiểu có protein, creatinin trong máu tăng làm mức lọc cầu thận giảm và mô học thận, siêu âm thận thay đổi.

Các giai đoạn của bệnh

Dựa vào creatinin máu từ đó suy ra mức lọc cầu thận theo các công thức Gault - Cockcroft hoặc MDRD, Hội Thận học Mỹ và Hội đồng về cải thiện tiên lượng bệnh lý thận toàn cầu phân loại bệnh thận mạn tính có 5 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Tổn thương thận với mức lọc cầu thận bình thường hoặc tăng lớn hơn hay bằng 90ml/phút/1,73m2.

Giai đoạn 2: Tổn thương thận với mức lọc cầu thận giảm nhẹ từ 60 - 89 ml/phút/1,73m2.

Giai đoạn 3: Mức lọc cầu thận giảm vừa từ 30 - 59ml/phút/1,73m2.

Giai đoạn 4: Mức lọc cầu thận giảm nặng từ 15 - 29 ml/phút/1,73m2.

Giai đoạn 5: Suy thận giai đoạn cuối. Mức lọc cầu thận nhỏ hơn 15 ml/phút/1,73m2.

Tùy theo mức độ suy thận để chọn phương pháp điều trị thích hợp. Từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 4 chỉ điều trị bảo tồn. Nếu suy thận giai đoạn cuối, điều trị bảo tồn không hiệu quả, cần điều trị thay thế bằng lọc máu chu kỳ, lọc màng bụng liên tục ngoại trú hoặc ghép thận.

Phòng ngừa bệnh thận mạn tính: Cần điều trị tốt viêm cầu thận cấp, sỏi đường tiết niệu; Tránh béo phì, thừa cân; Kiểm soát tốt THA, ĐTĐ, rối loạn mỡ máu; Chế độ ăn uống thích hợp: ít muối, thành phần hợp lý, không lạm dụng bia, rượu; Không hút thuốc.

Tóm lại, phòng ngừa bệnh thận là nhiệm vụ của từng người. Chúng ta cần có đủ kiến thức nhằm phát hiện bệnh, điều trị đúng hướng để diễn biến chậm đến suy thận mạn giai đoạn cuối.

PGS.BS. Trần Văn Chất

(Phó Chủ tịch Hội Tiết niệu - thận học Việt Nam)


Thai nhi có nang ở thận


TTO - Em 30 tuổi, mang thai được 6 tháng, vừa rồi em đi siêu âm BS nói có nhiều nang ở thận, nước ối ít hơn bình thường. BS khuyên em đi bệnh viện để xử lý. Em muốn được BS tư vấn. Gia đình em cũng có nhiều người có nhiều nang ở thận.

Trong quá trình khảo sát thai nhi, siêu âm hệ thống tiết niệu của thai nhi là một phần không thể thiếu. Về hình thái học, có thể phát hiện các dị dạng hệ niệu của thai nhi và dựa vào lượng nước ối có thể đánh giá chức năng của thận thai nhi. Khi khảo sát hệ niệu thai nhi, các vấn đề cần đánh giá:

- Có bàng quang hay không

- Có thận hay không, vị trí, kích thước, có nang

- Có giãn hệ niệu hay không (giãn đái bể thận, niệu quản..)

- Tổn thương một bên, hai bên

- Giới tính của thai nhi

Bất thường về nhiễm sắc thể sẽ tăng lên gấp 3 lần nếu dị dạng thận đơn độc và tăng gấp 30 lần nếu ngoài bất thường thận còn có các bất thường khác đi kèm.

Trong nhóm bệnh lý nang thận bao gồm:

- Thận loạn sản nang

- Thận loạn sản nang do tắc nghẽn

- Bệnh thận đa nang di truyền theo gen trội hoặc gen lặn.

Thận loạn sản nang do có sự tắc nghẽn của hệ niệu cao trước 10 tuần tuổi thai. Tình trạng này thường xảy ra ở 1 bên thận và thận này không có chức năng nên tiêu lượng sẽ phụ thuộc vào thận còn lại. Siêu âm thì thận rất lớn có nhiều nang, nhưng ối bình thường nếu thận đối bên bình thường.

Loạn sản nang do tắc nghẽn là tình trạng hệ niệu bị tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn sau 10 tuần. Khởi đầu có hình ảnh thận trướng nước có vỏ mỏng với nhiều nang nhỏ, dần dần thận loạn sản giảm chức năng bài tiết, hết trướng nước co nhỏ lại.

Bệnh thân đa nang di truyền theo gen lặn nằm trên nhiễm sắc thể thường đặc trưng bởi sự giãn dạng nang của các tiểu quan thận từ 1-2 mm. Tiên lượng xấu vì dẫn tới suy thận nhưng thời gian biểu hiện có thể sau sinh, trẻ em và thiếu niên. Nguy cơ tái phát là 25%.

Bệnh thận đa nang di truyền theo gen trội là tình trạng xuất hiện nang ở thận, gan và một số cơ quan khác. Bệnh xuất hiện trong thai kỳ và trong thời kỳ sơ sinh.

Phân biệt bệnh thận đa nang theo gen trội hay lặn dựa vào siêu âm thận của người mẹ và người cha.

Trong tình trạng của chị:

- Thận thai nhi có nhiều nang có thể đây là tình trạng loạn sản nang do tắc nghẽn.

- Tình trạng nước ối hơi ít hơn bình thường, có khả năng thận hoạt động có phần suy giảm. Do đó, cần có sự theo dõi sát tình trạng nước ối. Nếu lượng ối ngày càng giảm và trở thành vô ối thì tình trạng tắc nghẽn quá nặng, có thể phải chấm dứt thai kỳ (thận đa nang nặng thường kèm theo thiểu sản phổi ảnh hưởng rất nhiều tới thai nhi). Nhưng nếu tình trạng ối được giữ ở mức cho phép, chị có thể tiếp tục theo dõi thai cho tới khi sinh.

Sau sinh, chị cần cho bé đi kiểm tra sớm để giúp phát hiện sớm nguyên nhân và vị trí tắc nghẽn, tùy theo mức độ mà bác sĩ sẽ tư vấn hướng giải quyết.

- Trong gia đình chị, có tình trạng thận đa nang, chị nên đi kiểm tra chính chị để tiên lượng vấn đề di truyền.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

B.CHÂU thực hiện


Phòng trị bệnh than hại mía


Hỏi: Mía ở vùng chúng tôi mấy năm gần đây thường bị một chứng bệnh như sau: cây mía tự nhiên đẻ nhiều cây con, không lớn được, đốt mía mọc kéo dài ra, lá nhỏ và ngắn lại, lá trên ngọn mọc ra một cây giống như cái cần câu, cong xuống, bên trong chứa đầy bột than đen. Cuối cùng cả bụi mía bị chết khô. Hiện nay, chứng bệnh này đang xuất hiện khá nhiều trên mía gốc tái sinh, nhất là trên giống mía Quế Đường. Xin cho biết đó là chứng bệnh gì? Có cách nào để phòng trị chúng?

Nguyễn Văn Mùi và một số bà con ở xã Ya Chim, xã Đăk Năng, Tp Kon Tum (tỉnh Kon Tum).

Trả lời: Trên cây mía có khá nhiều loại sâu bệnh gây hại, nhưng triệu chứng mà các bạn mô tả theo chúng tôi cây mía của các bạn đã bị bệnh than (còn gọi là bệnh đen bột, bệnh than xoắn đọt...) gây hại. Bệnh do nấm Ustilago scitaminea H. sydow gây ra. Bào tử của nấm bệnh tồn tại trong đất, trên hom giống, trên những roi chứa bào tử mọc ra từ ngọn cây mía (mà các bạn đã mô tả giống như cái cần câu), bám dính trên cây mía, bay trong không khí... Bào tử lan truyền nhờ gió, nhờ nước, nhờ phương tiện vận chuyển từ vùng có bệnh sang vùng chưa bị bệnh… Khi cây mía mọc mầm bào tử sẽ nẩy mầm và xâm nhiễm vào bên trong để gây bệnh cho cây ngay từ khi cây mía còn nhỏ. Những hom giống đã bị nhiễm bệnh, khi trồng xuống cây con sẽ nhanh chóng bị nhiễm bệnh.

Khi bị bệnh cây mía sẽ đẻ nhánh nhiều, nhìn bụi mía giống như bụi sả. Cây mía nhỏ không lớn được, đốt kéo dài ra, lá hẹp và ngắn lại, cây mía mất khả năng ra lóng mới. Cuối cùng lá đọt mọc ra một roi cong, bên trong chứa đầy bào tử nấm nhìn giống như một khối bột mầu đen (đây là triệu chứng đặc trưng, điển hình chỉ có ở bệnh than). Cây mía tàn lụi dần và chết. Khi màng mỏng bao bọc bên ngoài của roi này vỡ, các bột phấn đen lộ ra giải phóng bào tử nấm, phát tán vào không khí, rơi xuống đất, bám vào cây mía... để tiếp tục gây bệnh cho cây khác, cho vụ sau. Những giống mía khác nhau, cây roi chứa bào tử bệnh sẽ có hình dạng và độ dài khác nhau, có giống ngắn, nhưng cũng có giống dài đến 2-3 mét.

Do hiện tượng tích lũy nên bệnh gây hại trên những ruộng mía tái sinh (mía để gốc) nhiều hơn trên những ruộng mía tơ (mía mới trồng). Đây là một bệnh hết sức nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh và khi đã bị bệnh chỉ còn cách đốn bỏ. Bệnh thường phát sinh gây hại nhiều vào hai thời điểm trong năm là tháng 4-6 và tháng 9-11. Như vậy so với mọi năm thì năm nay bệnh đã xuất hiện sớm hơn. Theo đáng giá của Chi cục BVTV tỉnh Kon Tum sở dĩ như vậy có thể là do năm nay bị lũ lụt cộng với đợt ẩm của đất cao và nắng nóng.

Để hạn chế tác hại của bệnh các bạn phải tiến hành sớm nhiều biện pháp một cách đồng bộ ngay từ đầu vụ (từ khi chuẩn bị hom giống, chuẩn bị đất trồng), nếu để đến khi bệnh đã xuất hiện mới can thiệp thì hiệu quả sẽ rất thấp. Sau đây là mợt số biện pháp chính:

- Không lấy hom giống ở những ruộng đã bị bệnh để làm giống cho vụ sau.

- Sau mỗi vụ thu hoạch cần thu gom sạch sẽ tàn dư của cây mía đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy.

- Cày bừa, làm đất kỹ để chôn vùi bớt mầm bệnh.

- Nên sử dụng giống kháng bệnh như: VN 85-1859, R 570, QĐ 15, K 84-200, ROC 1, ROC 2, ROC 8, ROC 20...

- Trước khi trồng nhúng hom giống vào dung dịch 0,2% của thuốc Bendazol 50WP trong 5 phút, hoặc ngâm trong nước nóng 50 độ C, khoảng 15-20 phút.

- Cần bón phân cân đối giữa NPK để cây mía sinh trưởng và phát triển tốt, tăng cường sức đề kháng với bệnh.

- Kiểm tra ruộng mía thường xuyên để phát hiện sớm và thu gom kịp thời những cây đã bị bệnh đem ra khỏi ruộng, tiêu hủy. Khi thu gom nhớ khéo léo đưa những roi chứa bào tử vào trong bao nilon, buộc kín miệng, tránh bào tử phát tán.

- Khi ruộng đã bị bệnh nặng không nên để mía gốc tái sinh cho năm sau.

- Nếu đã áp dụng nhiều biện pháp mà bệnh vẫn không giảm, các bạn nên luân canh với cây trồng khác khoảng 1-2 năm sau mới trở lại trồng mía.


Thái Lan thêm 3 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H1N1


(VOV) - Trong đó có 1 trường hợp nằm trong nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao

Tuần qua, Thái Lan phát hiện thêm 937 ca nhiễm virus cúm A/H1N1 và 3 trường hợp tử vong, trong đó có 1 trường hợp nằm trong nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao. Đó là người đàn ông 28 tuổi bị bệnh thận, tim to và bệnh gan. Hai trường hợp còn lại tử vong do được điều trị muộn. Như vậy, đến nay Thái Lan đã có trên 34.000 bệnh nhân cúm A/H1N1, 212 trường hợp tử vong.

Theo Bộ trưởng Y tế Thái Lan Chụ-rin Lắc-sạ-nạ-vi-sịt, hiện nay đã có hàng trăm ngàn người dân Thái Lan được tiêm vắc-xin phòng chống cúm A/H1N1, đạt 17,5% mục tiêu. Bộ trưởng y tế Thái Lan cho biết thêm, Thái Lan sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến cúm A/H1N1 để cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân.

Bộ Y tế Thái Lan cũng nhấn mạnh chú ý theo dõi đối tượng học sinh. Bởi đây là thời điểm bắt đầu nghỉ hè các em sẽ tham gia các hoạt động trại hè, bộ Y tế phối hợp với bộ Giáo dục kiểm tra nghiêm ngặt học sinh nhằm tránh dịch bệnh lây lan./.

PV


Kon Tum: Nhiều diện tích mía mắc bệnh than


Ngày 3/3, Chi Cục trưởng BVTV tỉnh Kon Tum-ông Đinh Quang San cho biết, hầu hết diện tích múa trên địa bàn phường Thống Nhất, Nguyễn Trãi, xã Ya Chim, Đoàn Kết và xã Đăk Năng (TP Kon Tum)…xuất hiện bệnh than, thiệt hại từ 20- 50% diện tích. Theo thông tin ban đầu, loại bệnh này chỉ phát hiện trên cây mía tái sinh và bệnh nặng trên giống mía Quế Đường.

Hiện Chi cục đã điều động cán bộ kỹ thuật phối hợp với chính quyền địa phương điều tra diện tích, đánh giá mức độ thiệt hại từ đó phân loại giống mía và đất trồng bị hại. Chi cục cũng đã khuyến cáo bà con cách phòng ngừa bệnh và xử lý bệnh này.


“Đồng phục” văn hóa?


Hai Phiếm kể:

- Có ông khoan điện vào tường trúng dây điện ngầm, lửa tóe loe may không làm sao...

- Bây giờ thường nhà nào cũng lắp dây điện ngầm nên khoan tường để treo đóng phải hết sức cẩn thận. Tốt nhất nên lưu lại cái sơ đồ...

- Nhưng ở đây là chuyện chủ nhà không biết nên dù có sơ đồ cũng bằng không!

- Hả?

- Thì ở quận Hà Đông (Hà Nội) đồng loạt gắn biển "Gia đình văn hóa" cho hầu hết các hộ trên địa bàn. Nhiều nhà không biết mình được vinh dự này, đi làm về thấy biển đã được gắn trên tường trước nhà.

- Chà chà... sự tôn vinh này xem ra độc đáo nhất thế giới đây. Khi một quận hầu như nhà nào cũng là "Gia đình văn hóa" thì lãnh đạo quận hẳn là rất có văn hóa!

- Nhưng xem ra chuyện gắn biển "Gia đình văn hóa" đại trà thế này đến người được tôn vinh cũng có người không biết lại bất chấp việc xét duyệt, bình bầu theo quy định xem nhà nào không cãi cọ, không gây mất vệ sinh, không vi phạm pháp luật và vợ chồng, con cái yêu thương nhau thì xem ra có vẻ... chưa văn hóa cho lắm!

- Văn hóa thật sự hay không tính sau, miễn là hầu hết các gia đình trong quận được gắn biển "Gia đình văn hóa" cho khác các quận khác cái đã!

- Khác thế này thì khác nào cả quận mặc đồng phục văn hóa như trẻ mặc đồng phục học sinh còn học hành thế nào, ngoan ngoãn ra sao tính sau!

Hai Phiếm gật gù:

- Văn hóa là chuyện tích lũy cả một quá trình về lối sống, trách nhiệm, cách ứng xử của mỗi người, mỗi nhà chứ đâu phải cứ đóng bốp cái biển "Gia đình văn hóa" lên tường trước nhà là tìm thấy văn hóa đâu.

Nghĩ tôi cũng ngơ ngác:

- Sao cái bệnh thành tích lại có thể biểu hiện một cách ngây ngô và hài hước đến vậy nhỉ?!

- Thôi uống đi! - Hai Phiếm gạt phắt - Chúc mừng cho quận Hà Đông có "đồng phục văn hóa"!

Cả Nghĩ


Suy thận mạn ở trẻ em


Suy thận mạn (STM) ở trẻ em dễ dẫn đến suy thận giai đoạn cuối và chỉ có phương pháp điều trị thay thế thận là ghép thận và lọc máu mới giúp trẻ duy trì sự sống. Hai phương pháp này tương đối tốn kém không phải gia đình nào cũng có thể điều trị cho con em mình. Tuy nhiên, nếu các bậc cha mẹ chú ý một số vấn đề trong chăm sóc sức khỏe cho trẻ sẽ giúp trẻ tránh được căn bệnh nguy hiểm này.

Viêm bể thận gây suy thận mạn ở trẻ em.

Các nguyên nhân dẫn đến STM ở trẻ em

Viêm cầu thận dẫn đến STM ở trẻ em chiếm tỷ lệ cao nhất, trong đó đáng lưu ý là nguyên nhân viêm cầu thận liên quan đến nhiễm khuẩn (viêm cầu thận cấp). Bệnh thường gặp ở trẻ em sau viêm họng hoặc viêm da. Các nghiên cứu ở nước ta cho thấy có 5 - 10% bệnh nhi, bệnh tiếp tục tiến triển mạn tính và gây suy thận sau 10 năm bị viêm cầu thận cấp. Có 80% trẻ bị viêm cầu thận cấp xảy ra sau viêm họng hoặc viêm da do liên cầu khuẩn, số còn lại do các vi khuẩn khác. Độ tuổi thường gặp là 6-9, bệnh xảy ra quanh năm nhưng tập trung nhiều vào các tháng 9 - 12. Nghiên cứu sinh thiết thận ở trẻ viêm cầu thận cấp sau 10 - 15 năm cho thấy có tới 70% trường hợp có tổn thương xơ cứng cầu thận từng phần hoặc hoàn toàn, trong đó 30 - 40% có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.

Viêm bể thận/viêm thận kẽ đứng hàng thứ hai, trong đó tắc nghẽn đường dẫn niệu chiếm 6,2%, thường do hẹp khúc nối bể thận - niệu quản bẩm sinh. Có thể phát hiện sớm bằng siêu âm thận và điều trị bằng phẫu thuật. Bệnh thận do trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên niệu quản mỗi lần rặn tiểu chiếm 6,9%. Có thể phát hiện sớm bệnh này bởi triệu chứng trẻ thấy đau tức vùng hố thắt lưng mỗi lần rặn tiểu. Nếu trẻ có triệu chứng trên thì cần chụp bàng quang có bơm thuốc cản quang kết hợp rặn tiểu để xác định. Hình ảnh Xquang sẽ cho thấy nước tiểu trào ngược từ bàng quang lên niệu quản. Bệnh lý này là do khuyết tật ở van giữa niệu đạo và bàng quang, có thể điều trị phẫu thuật khuyết tật này.

Bệnh thận bẩm sinh gặp 16,2% số trẻ STM, trong đó bệnh thận nang chiếm 1,9% có thể phát hiện sớm bằng siêu âm thận. Hội chứng Alport chiếm 1,5%, đây là hội chứng bệnh lý có tính chất gia đình, bệnh biểu hiện bằng suy thận và 50% bệnh nhi có kèm theo điếc. Ngoài ra có thể gặp các bệnh thận bẩm sinh khác như Cystinosis, Oxalosis.

Theo số liệu của Hội Lọc máu và ghép thận châu Âu (EDTA) thì tỷ lệ trẻ em STM thay đổi từ 1 trẻ / 1 triệu dân (ở Hy Lạp) đến 11 trẻ / 1 triệu dân (ở Israel). Ở nước ta chưa có số liệu STM ở trẻ em, nhưng tỷ lệ STM giai đoạn cuối chung cho cả trẻ em và người lớn là 0,06 - 0,08% dân số.

Các bệnh hệ thống gặp 7% số trẻ STM, trong đó viêm thành mạch dị ứng (Henoch - Schonlein - pupura) chiếm 2,4%. Bệnh biểu hiện bằng từng đợt xuất huyết dưới da thể chấm, chủ yếu ở hai chân, đối xứng, có thể kèm theo đau sưng các khớp, có protein niệu, có thể điều trị lui bệnh bằng các thuốc corticoid. Hội chứng tan máu - urê máu chiếm 3,1% biểu hiện bằng vàng da, bilirubin máu tăng, thiếu máu, urê máu tăng.

Hạn chế STM trẻ em bằng cách nào?

Khi đã bị STM thì bệnh sẽ tiến triển dần đến suy thận giai đoạn cuối. Lúc này để duy trì cuộc sống của bệnh nhân phải điều trị thay thế thận bằng lọc máu hoặc ghép thận, đây là các kỹ thuật cao hết sức tốn kém. Các phương pháp điều trị bảo tồn STM chỉ có vai trò kéo dài thời gian ổn định chức năng thận và làm chậm tiến triển của suy thận đến giai đoạn cuối. Vì vậy vấn đề chăm sóc sức khỏe cho trẻ em như vệ sinh thân thể, vệ sinh răng miệng, phòng và điều trị sớm các nhiễm khuẩn ở họng hoặc da và các nhiễm khuẩn khác, phát hiện sớm các bệnh thận bẩm sinh như hẹp khúc nối bể thận niệu quản, trào ngược nước tiểu bàng quang lên niệu đạo, bệnh thận đa nang để có biện pháp điều trị sớm, có thể làm giảm được tỉ lệ trẻ em bị STM.

PGS.TS.BS. Hà Hoàng Kiệm


“Cò” thuốc nam tại lễ hội


Với dáng vẻ lịch sự, đám “cò mồi” vừa đi vừa trò chuyện với nhau rất thoải mái, thân tình, bề ngoài không có ý gì, song thực chất là cố để những người bên cạnh nghe rõ. Cả đoạn đường, nghe số người này bàn tán về loài hoa bách thảo, củ thiên mã chữa được bệnh thận, phong thấp rất hiệu nghiệm, nên khi vừa lễ xong, anh Hòa liền vội vàng xuống núi tìm mua "thần dược"…

Mỗi năm cứ vào dịp sau Tết, tại các lễ hội lớn như Yên Tử, Chùa Hương, Côn Sơn - Kiếp Bạc... có không ít người dân đi kiếm đủ loại cây cỏ ít nhiều có tác dụng chữa bệnh, rồi thổi phồng lên thành "thần dược" để bán lừa du khách hành hương nhẹ dạ, cả tin. Trò lừa này diễn ra từ nhiều năm nay, song không năm nào là không có hành khách gặp "quả đắng".

Mặc dù chưa vào chính hội, nhưng ngày 6 Tết âm lịch, khách thập phương hành hương về Yên Tử đã khá đông. Từ 5 rưỡi sáng, khi trời còn tối mịt, dòng người đã nườm nượp đi bộ lên chùa Đồng. Dọc đoạn đường bộ từ phía sau chùa Giải Oan lên bãi đá An Kỳ Sinh, hay từ chùa Hoa Yên lên đỉnh chùa Đồng, cứ đi vài chặng lại gặp một nhóm bày bán thuốc nam.

Hòa vào dòng người hành hương đi lễ, đám "cò mồi" bán thuốc cũng bắt đầu hoạt động. Với dáng vẻ lịch sự, giọng nói vừa phải, họ trò chuyện với nhau rất thoải mái, thân tình, bề ngoài không có ý gì, song thực chất là cố để những người bên cạnh nghe rõ.

Cả đoạn đường lên đỉnh chùa Đồng, số người này bàn tán về loài hoa bách thảo, củ thiên mã đun lên lấy nước uống chữa được bệnh thận, phong thấp rất hiệu nghiệm, nên khi vừa lễ xong ở chùa Đồng, anh Hòa (Ninh Bình) liền vội vàng xuống núi tìm mua "thần dược". Chẳng mất công tìm, anh nhanh chóng gặp được người đứng bán thuốc trên đường xuống chùa Hoa Yên. Thấy ngoài mình ra, còn có khá nhiều người vây xung quanh tìm hiểu vị thuốc, nên anh Hòa càng tin, vội vàng hỏi kỹ tác dụng của từng loại và cách thức chế biến. Với giá 200.000đ/kg hoa bách thảo và 170.000đ/kg củ thiên mã, và lấy lý do mua mở hàng thì sẽ được bớt 20.000đ/mỗi loại. Nghe bùi tai, anh Hòa liền rút tiền mua liền 2kg hoa bách thảo và 1kg củ thiên mã.

Tay xách nách mang xuống tận chân núi, thấy mấy người cứ nhìn, rồi bảo anh bị lừa rồi, anh Hòa chưa thật tin. Chỉ đến khi thấy bảng nhắc nhở của ban tổ chức anh mới ngã ngửa là mình bị lừa. Hóa ra mấy loại "thần dược" anh kỳ công mang từ trên núi xuống chỉ là các loại rễ cây linh tinh. Không còn cách nào khác, anh Hòa đành ngậm ngùi "ký gửi" hai túi thuốc trị giá hơn 500 ngàn vào sọt rác.

Không chỉ mời chào khách mua hàng, "cò mồi" tại đây còn dùng chiêu "ép" khách. Nhiều người do hiếu kỳ đứng lại xem, sau khi hỏi han một hồi, nếu có ý không mua sẽ bị một số "cò" xung quanh chặn lại cố nài, chỉ đến khi họ chấp nhận mua dù ít dù nhiều thì mới có thể đi tiếp.

Thuốc nam rởm đang được bày bán trên đường lên chùa Đồng, Yên Tử.

Tại khu vực chùa Hương, việc bán thuốc nam cũng thành "công nghệ" với những gian hàng rộng tới hơn chục mét vuông. Thuốc được đóng thành từng gói, có giấy ghi chú thành phần tác dụng rõ ràng, nhưng một hàng bán cả trăm loại thuốc, chữa đủ thứ bệnh, nhìn qua gói nào cũng thấy na ná giống nhau, nên tác dụng thật giả đến đâu hành khách khó lòng mà biết được.

Đáng kể hơn nữa phải nói đến những người bán tam thất nam. Những củ màu nâu vàng nhạt, sần sùi dài chừng ngón tay được gọi là tam thất nam bày bán dọc hai bên đường với giá 50.000-70.000đ/kg. Người mua, người ghé xem đừng thành vòng trong vòng ngoài, còn người bán thì thao thao với việc nói về tác dụng của thuốc chữa chứng bệnh hoa mắt, thiếu máu, nhức đầu, mất ngủ... Nghe bùi tai, trong số đông người đứng xem thì có không ít người rút ví ra mua. Và chỉ khi về nhà hỏi ra mới hay mình bị lừa.

Tình trạng lừa bán thuốc cũng diễn ra ở cả lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc và một số lễ hội khác ở miền Bắc. Từ nhiều năm nay, hầu hết ban tổ chức các lễ hội đều ra sức ngăn chặn, song không ít khách thập phương khi hành hương đi lễ vẫn bị lừa.

Một mùa lễ hội mới lại đang diễn ra trên khắp cả nước, thiết nghĩ người đi lễ nên cảnh giác với những trò lừa bịp này, bởi lẽ đây không chỉ là việc mất tiền oan mà còn là vấn đề sức khỏe. Nếu chẳng may mua phải loại thuốc không đúng tác dụng, uống vào thay vì chữa bệnh lại rước thêm bệnh vào người